KHKT: RÈN LUYỆN KĨ NĂNG KIỂM SOÁT CẢM XÚC TIÊU CỰC CHO HỌC SINH TRƯỜNG THCS PHỔ CƯỜNG
Lượt xem:
- Lí do lựa chọn đề tài
Tục ngữ “Cả giận mất khôn” nhấn mạnh hậu quả của việc không kiểm soát cảm xúc. Đặc biệt, đối với học sinh, khi không làm chủ cảm xúc, dễ dẫn đến những thói quen tiêu cực như than vãn, bức xúc, đổ lỗi, hay bạo lực học đường. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 2000 vụ bạo lực tại Việt Nam, trong đó 53% xảy ra trong học đường, chủ yếu do học sinh không kiểm soát được cảm xúc. Vì vậy, rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc cho học sinh là rất quan trọng, nhằm xây dựng môi trường học đường an toàn và lành mạnh. Chúng em quyết định nghiên cứu đề tài “Rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc tiêu cực cho học sinh THCS Phổ Cường”.
- Ý nghĩa của đề tài
Thông qua việc nghiên cứu nhận thức của các bạn học sinh THCS Phổ Cường đối với việc kiểm soát cảm xúc, chúng em muốn cung cấp những dữ liệu cần thiết để góp phần làm rõ lý thuyết tâm lý hành vi về mối quan hệ giữa con người và xã hội, giữa nhận thức và hành động.
- Thực trạng
Qua điều tra, chúng em thấy rằng các bạn học sinh THCS thường gặp phải các cảm xúc tiêu cực sau: Buồn bã, lo âu, sợ hãi,… Đặc biệt, phổ biến và đáng quan tâm hơn cả là tình trạng học sinh thường vì những mâu thuẫn với bạn bè, không kiểm soát được cảm xúc mà dẫn đến bạo lực học đường, đánh nhau gây thương tích thân thể và để lại di chứng tâm lý cho nhiều học sinh.
- Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân khiến nhiều người không kiểm soát được bản thân trước mỗi sự việc. Sau đây là một số nguyên nhân chính:
* Nguyên nhân về phía chủ quan của các bạn học sinh:
– Do áp lực trong học tập như: điểm số, thành tích và sự cầu toàn của bản thân.
– Do tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, đặc biệt là học sinh THCS: ở tuổi này chúng em đang có sự thay đổi, phát triển nên thường có nhiều cảm xúc phức tạp về tâm sinh lí và khả năng làm chủ những cảm xúc đó còn hạn chế.
– Do tính cách: ích kỉ, thiếu kiên nhẫn, hiếu thắng, tự kiêu tự mãn của một số bạn học sinh nên dẫn tới hiện tượng bộc lộ cảm xúc, hành động thái quá.
– Do chất lượng đời sống: chúng ta đang sống ở thời đại công nghệ 4.0 các bạn sử dụng mạng xã hội chưa đúng cách đôi khi nó lại là nơi gây ra không ít những mâu thuẫn cá nhân tạo ra cảm xúc tiêu cực.
* Về phía nhà trường:
Việc giáo dục và xử lí hoc sinh ở một số trường học, còn cứng nhắc, thiếu tính nhân văn hoặc chưa kiên quyết. Hầu như chỉ giải quyết hậu quả mà chưa giải quyết được nguyên nhân.
* Về phía gia đình: Nhiều gia đình hiện nay thiếu quan tâm đến con cái, cha mẹ mải kiếm tiền, bất hòa hoặc áp đặt kỳ vọng quá lớn lên con, tạo áp lực cho trẻ. Khi con mắc lỗi, thay vì giáo dục, cha mẹ thường quát mắng, không kiểm soát hành vi. Quan hệ vợ chồng không hài lòng cũng ảnh hưởng xấu đến trẻ, khiến trẻ nhận những ấn tượng tiêu cực từ môi trường gia đình.
* Về phía xã hội: hàng ngày các em phải chứng kiến rất nhiều những hình ảnh không đẹp mắt của xã hội, như đánh chửi nhau, trộm cắp tài sản, vi phạm luật an toàn giao thông,…Tất cả những hình ảnh trên thực tế và trên mạng xã hội đều ảnh hưởng rất lớn đến cảm xúc của học sinh.
- Hậu quả
*Ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân: Không kiểm soát được cảm xúc bản thân có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Khi bạn tức giận, thất vọng, sợ hãi và “những cảm xúc tiêu cực” khác diễn ra thường xuyên, kéo dài, không được giải tỏa, nó có thể khiến bạn phải đối diện với nhiều vấn đề về thể chất, sức khỏe, công việc và cuộc sống.
*Ảnh hưởng đến nhân phẩm con người và các mối quan hệ xung quanh: Cư xử thiếu văn hóa tạo thói quen xấu, hạ thấp phẩm giá cá nhân và gây ấn tượng xấu. Nó hình thành tính ích kỷ, bạo lực, thiếu kỷ luật và đạo đức, làm hỏng mối quan hệ và gây cảm xúc tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và quan hệ của bản thân
*Ảnh hưởng đến gia đình: Quan hệ trong gia đình nhiều khi lại chưa quan tâm đúng mức, dẫn đến biết bao hậu quả đau buồn. Trong đó, lỗi lầm trước hết thuộc về phía người lớn chính là gia đình của bạn.
*Ảnh hưởng đến nhà trường:
– Gây ra tình trạng mất an ninh, trật tự, an toàn, văn hóa trong nhà trường.
– Gây ra bạo lực học đường, ứng xử thiếu văn hóa.
– Ảnh hưởng xấu tới việc giữ gìn kỷ cương, nền nếp trong nhà trường và giáo dục đạo đức cho học sinh.
* Ảnh hưởng đến xã hội: Mất giá trị nhân văn trong giáo dục dẫn đến hành xử tệ hại, thiếu tôn trọng và tính cộng đồng. Cách ứng xử nơi công cộng thiếu văn hóa, gây rối loạn an ninh, ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội và tạo ấn tượng xấu với bạn bè quốc tế.
6. Giải pháp
* Nhóm giải pháp cho bản thân học sinh:
– Học cách kiểm soát cảm xúc của bản thân bằng việc điều chỉnh các hành động của cơ thể.
– Kỹ năng kiểm soát cảm xúc bằng trí tuệ
– Điều khiển cảm xúc bằng sử dụng ngôn từ.
– Kiểm soát cảm xúc bằng cách rèn luyện sự tự tin
– Kiểm soát cảm xúc bằng cách rèn luyện sự tự tin
* Các cách hữu hiệu khác:
– Tìm niềm vui của bạn.
-Chia sẻ với người khác.
* Nhóm giải pháp cho gia đình học sinh:
Giáo dục gia đình là nền tảng quan trọng, cần chú trọng kỷ luật, trật tự xã hội và uốn nắn khi con cái chưa thực hiện tốt. Các thành viên cần tôn trọng lẫn nhau và tuân thủ trật tự, tạo nên một gia đình hạnh phúc và văn hóa.
* Nhóm giải pháp cho nhà trường:
– Nhà trường cần chú trọng dạy đạo đức, lối sống và kỹ năng sống qua các giờ sinh hoạt lớp, dưới cờ. Đồng thời, cần thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường với các thầy cô được tập huấn chuyên môn để hỗ trợ học sinh gặp vấn đề tâm lý, cảm xúc tiêu cực.
– Tổ chức hoạt động ngoại khóa với chủ đề “Kiểm soát cảm xúc tiêu cực” cho học sinh THCS, gồm thầy cô và học sinh tham gia. Mục tiêu nâng cao nhận thức và rèn kỹ năng sống, qua thi đóng kịch tuyên truyền về các tình huống cảm xúc tiêu cực và cách kiểm soát chúng.
– Tổ chức thi viết về “Cảm xúc tiêu cực và cách vượt qua” trong giờ sinh hoạt lớp.
– Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và trò chơi dân gian hướng đến tính cộng đồng, kỷ luật và tự trọng.
– Phối hợp với Đoàn TN xây dựng mô hình “Nói không với bạo lực học đường”, tuyên truyền pháp luật cho học sinh.
– Mỗi thầy cô cần là tấm gương sáng về đạo đức và tác phong.
– Mong muốn thầy cô thay đổi, tạo môi trường học đường an toàn và hạnh phúc.
* Nhóm giải pháp cho xã hội:
– Vận động, tuyên truyền về nếp sống văn minh và văn hóa ứng xử cho người dân.
– Sử dụng truyền thông để giáo dục ý thức tham gia giao thông an toàn và đưa hình ảnh gương mẫu lên các phương tiện truyền thông.
– Xử phạt nghiêm minh các hành vi mất trật tự nơi công cộng, giúp hình thành thói quen kiểm soát cảm xúc.
– Pháp luật cần nghiêm minh để giáo dục và răn đe các hành vi vi phạm.
Việc xây dựng và gìn giữ đạo đức, văn hóa dân tộc là một quá trình lâu dài, bắt đầu từ những hành động nhỏ của mỗi cá nhân, gia đình và nhà trường. Rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc và loại bỏ cảm xúc tiêu cực không phải điều dễ dàng, nhưng nếu kiên trì, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu và góp phần xây dựng xã hội văn minh, hạnh phúc. Kiểm soát cảm xúc thể hiện sự tự trọng cá nhân, tôn trọng cộng đồng và tự tôn dân tộc. Nếu tất cả chúng ta hành động ngay từ hôm nay, điều này sẽ trở thành thói quen, kỹ năng và truyền thống, góp phần xây dựng nền giáo dục “kỉ cương – tình thương – trách nhiệm”, một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, đồng thời giúp đất nước Việt Nam ngày càng phát triển.